33 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội

Cơn phẫn nộ (hay cơn hờn) ở trẻ nhỏ

1305

     

Tức giận


Tại sao con bạn lại phẫn nộ?

Xét về mặt cảm xúc, có thể coi các cơn phẫn nộ của trẻ như bão mùa hè – luôn bất ngờ và đôi khi rất dữ dội. Vừa mới thôi bạn và con đang trong nhà hàng vui vẻ thưởng thức bữa tối, ngay sau đó bé đã thút thít, rên rỉ, và sau đó thì hét lên hết sức vì ống hút của mình bị cong. Những khoảnh khắc như thế đặc biệt phổ biến ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi

Mặc dù bạn có thể lo lắng rằng mình đang nuôi 1 tên bạo chúa, hãy lạc quan lên – ở tuổi này, trẻ nổi cáu thường không phải vì muốn người khác làm theo ý mình. Thay vì đó, bé nổi cơn cáu giận để phản ứng lại sự bực mình. Claire B.Kopp, giáo sư ngành tâm lí phát triển ứng dụng tại Claremont Graduate University ở California cho rằng, phần nhiều vấn đề là do các kĩ năng ngôn ngữ không cân đối của trẻ. “Trẻ tuổi nhà trẻ đã bắt đầu hiểu nhiều hơn những từ chúng nghe thấy, nhưng khả năng tự diễn tả bằng ngôn ngữ thì còn quá hạn chế,” bà nói. Khi con bạn không thể nói ra mình cảm thấy như thế nào hay mình muốn gì, bé sẽ rất cáu giận.


cơn phẫn nộ


Làm gì khi con nổi cáu

Đừng nổi nóng

Con nổi cơn phẫn nộ thật không phải một cảnh ưa mắt chút nào. Ngoài những hành động như đá, hét, hay dậm xuống nền nhà, bé còn có thể ném đồ dùng, đánh, hay thậm chí là nín thở cho đến khi tái người lại. Khi con đang trong cơn cáu giận, bé sẽ không nghe giải thích, thậm chí bé có thể có phản ứng một cách tiêu cực khi bạn la hét hay đe dọa. “Tôi thấy tôi càng quát Brandon dừng lại, nó càng phản ứng dữ dội hơn ” một bà mẹ có con 2 tuổi nói. Chị phát hiện ra rằng, điều có ích hơn là chỉ ngồi xuống và ở bên cạnh con khi con đang nổi cơn thịnh nộ.

Ở lại với con trong cơn cáu giận là một ý hay. Ra khỏi phòng – nghe có vẻ hay – có thể làm con bạn cảm thấy mình bị bỏ rơi. Cơn bão cảm xúc con đang trải qua có thể làm con rất sợ, và con sẽ an tâm hơn khi biết có bạn đang ở bên. Một số chuyên gia khuyên nên bế con lên và ôm con nếu có thể (nếu con không vùng vằng, giẫy giụa nhiều quá), vì nhờ đó, con sẽ thấy mình được an ủi. Tuy vậy, một số khác lại cho rằng sẽ tốt hơn khi bạn phớt lờ cơn cáu giận của con cho đến khi con đã bình tĩnh trở lại, hơn là khen thưởng hành vi tiêu cực bằng một cử chỉ ấu yếm quan tâm. Qua việc thử nghiệm vài lần, bạn sẽ biết cách tiếp cận nào thích hợp với con mình.

Hãy nhớ rằng bạn là người lớn

Dù cơn cáu giận của con có kéo dài bao lâu, đừng ‘đầu hàng’ với những yêu cầu vô lí hay thương lượng với con. Điều này rất dễ xảy ra khi ở nơi công cộng vì bạn muốn kết thúc nhanh. Không nên lo lắng mọi người nghĩ gì – ai là cha mẹ cũng đều đã trải qua điều này. Nếu nhượng bộ, bạn đã vô tình dạy con mình rằng nổi cáu là cách tốt để có những thứ mình muốn, và tạo môi trường cho các vấn đề về hành vi ứng xử trong tương lai. Ngoài ra, bé đã rất sợ hãi vì mất kiểm soát, điều bé không hề muốn là thấy bạn cũng bị mất kiểm soát.

Nếu con cáu giận đến mức đánh người hay vật, ném đồ đạc, hay gào thét không ngừng, hãy bế con lên và đưa con đến nơi an toàn, như phòng ngủ của con chẳng hạn. Nói với con lí do con phải ở đó (“vì con đánh dì Sally”), và cho con biết bạn sẽ ở cùng con cho đến khi hành vi tiêu cực của con dừng lại. Nếu bạn đang ở nơi công cộng – nơi hay nảy sinh các cơn cáu giận của trẻ – hãy sẵn sàng rời đi với con cho đến khi con bình tĩnh trở lại.
“Khi con gái tôi lên 2, có 1 lần cháu cực kì tức giận ở nhà hàng vì nó gọi spaghetti không, nhưng phục vụ lại cho thêm mùi tây,” một bà mẹ nhớ lại. Mặc dù tôi biết tại sao cháu tức giận, nhưng tôi không muốn nó phá bữa tối của cả nhà. Tôi đã mang cháu ra ngoài cho đến khi nó trấn tĩnh trở lại.”

Nói chuyện về hành vi của con sau khi con hết cáu

Khi cơn bão đã ngớt, hãy ôm con và nói về những gì đã xảy ra. Thừa nhận thái độ bực mình của con, và giúp con chuyển cảm xúc của mình thành lời, nói một câu như, “Con rất bực vì đồ ăn không giống như con gọi phải không.” Cho con biết rằng thể hiện cảm xúc bằng lời sẽ giúp con thu được kết quả tốt hơn. Hãy cười và nói với con, “Mẹ xin lỗi mẹ đã không hiểu con. Giờ con không hét nữa, con mới có thể nói cho mẹ biết con muốn gì.”

Hạn chế các tình huống làm con cáu giận

Hãy chú ý đến các tình huống hay làm con cáu, và chuẩn bị theo đó. Nếu con nổi cáu khi đói, hãy mang theo đồ ăn. Nếu con gặp khó khăn chuyển từ hoạt động này sang hoạt động kia, báo trước cho con trước khi thay đổi. Thông báo với con khi sắp rời sân chơi hay sắp vào ngồi ăn tối (“Chúng ta sẽ ăn khi con và bố đọc xong chuyện của con”) cho con cơ hội thích ứng, hơn là phản ứng.

Con bạn đang học tự lập, vì thế, cho con được lựa chọn bất cứ khi nào có thể. Không ai thích luôn bị ra lệnh làm việc. Nói, “Con ăn ngô hay cà rốt?” thay vì “Ăn ngô đi!” sẽ cho con cảm giác có quyền quyết định. Thay đổi mức độ thường xuyên nói từ “không”. Nếu bạn thấy mình đang dùng từ đó quá nhiều, có thể bạn sẽ tự gây áp lực cho cả hai. Vì thế, nên đơn giản hóa và tự quyết định khi nào cần thiết nói “không”. Lịch trình của bạn có thể bị hỏng không nếu dành thêm 5 phút ở sân chơi? Có ai thực sự quan tâm nếu con bạn đeo găng tay không hợp quần áo không?

Chú ý các dấu hiệu quá căng thẳng của con

Mặc dù cáu giận hằng ngày là một phần hoàn toàn bình thường ở trẻ tuổi nhà trẻ, bạn vẫn cần chú ý để phát hiện các vấn đề có thể có. Liệu có biến động nào trong gia đình không? Thời kì quá bận bịu hay phiền toái? Căng thẳng giữa cha mẹ? Tất cả những điều đó đều có thể làm trẻ cáu giận. Nếu sau 30 tháng tuổi con bạn vẫn nổi cơn phẫn nộ hàng ngày, hãy trao đổi với bác sĩ. Nếu con bạn nhỏ hơn 30 tháng tuổi, mỗi ngày phẫn nộ 3-4 lần, và có thái độ không hợp tác trong bất kì việc nào, như mặc quần áo hay nhặt đồ chơi, bạn cũng có thể cần giúp đỡ. Bác sĩ có thể chắc chắn rằng bé không có vấn đề nào nghiêm trọng về thể chất hay tâm lí, đồng thời gợi ý cho bạn các cách giải quyết các cơn cáu giận của con. Cùng với đó, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu con bạn có các dấu hiệu nín thở khi cáu giận. Đã có các bằng chứng cho thấy hành vi này có liên quan tới tình trạng thiếu sắt.

 

Theo lamchame.com

Bài liên quan

Chất lượng đảm bảo

Cam kết hàng chất lượng nhất

Vận chuyển toàn quốc

Nhận chuyển hàng toàn quốc

Hỗ trợ trực tuyến

Luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng 24/7

Hỗ trợ trực tuyến